Rời cổng trường Đại học Nông lâm Huế với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tấn (28 tuổi, ở thôn Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) hăng hái tham gia vào chương trình tăng cường cán bộ trẻ cho vùng khó khăn. Sau 5 năm phụ trách nông nghiệp xã ở huyện Minh Hóa, khi kết thúc dự án, anh Tấn mang hành lý về quê.
Những năm thực tế với công việc nhà nông đã cho anh những trải nghiệm tốt để làm hành trang cho những dự tính mới. Đầu năm 2018, anh Tấn chọn vùng đất hoang giữa thung lũng núi để cải tạo làm khu sản xuất rau, củ có định hướng lâu dài.
Anh Tấn suy nghĩ, rau quả là thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống con người. Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về rau an toàn, rau hữu cơ ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng để trồng rau.
“Muốn làm nông nghiệp sạch, cần đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng. Phải hướng đến vùng chuyên sản xuất rau quả theo hướng an toàn và gắn với nông nghiệp hữu cơ”, anh Tấn bộc bạch thêm.
Dồn vốn liếng của gia đình và vay mượn thêm, anh Tấn cho xây dựng một nhà lưới rộng gần 1.000 m2 theo tiêu chuẩn và đi vào sản xuất. Nhóm rau, củ mà anh quan tâm là dưa lưới, dưa chuột, dưa lê, mướp, mồng tơi… Đó là những loại rau, củ được thị trường có nhu cầu lớn và ưa chuộng.
Những vụ rau đầu tiên cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Không nản chí, anh Tấn học hỏi trên sách báo, qua những người đã làm rau nhà lưới có bề dày thời gian và kinh nghiệm. Nhờ lĩnh hội tốt những điều cơ bản nên khó khăn cũng dần qua.
“Khi hai lứa rau, củ thu hoạch đầu tiên, nhìn quả mẩy căng thấy mừng lắm. Nhưng vì chưa mấy ai biết nên tiêu thụ gặp khó. Mấy vụ rau đó, tôi phải hàng ngày chở đi rao bán ở các chợ, các điểm bán lẻ cho tư thương. Cũng may là mọi người biết đến rau trồng hữu cơ, sạch nên dần tiêu thụ được tốt hơn”, anh Tấn kể lại.
Vào đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình đã hỗ trợ cho gia đình anh Tấn thực hiện mô hình “Sản xuất rau quả an toàn VietGAP trong nhà lưới”.
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn quá trình triển khai, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi tiến độ sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong nhà lưới tại mô hình.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình cho hay: Phải thực hiện đảm bảo mục tiêu yêu cầu đề ra. Sản xuất rau, quả các loại trong nhà màng theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn VietGAP, cây sinh trưởng phát triển tốt, đưa lại năng suất chất lượng tốt. Qua đó nhân rộng mô hình để nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Trên vùng đất đó, thêm một nhà lưới đúng tiêu chuẩn, rộng trên 800 m2 được xây dựng lên. Các hạng mục như hệ thống lưới cắt nắng, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, phân bón hữu cơ hòa tan được đưa vào sử dụng.
“Phân bón hữu cơ được hòa tan theo tỷ lệ thích hợp cho từng loại cây trồng được chứa ở bể và được bơm dẫn vào hệ thống tưới nhỏ giọt. Ngoài việc tưới phân, hệ thống này cũng đảm nhận nhiệm vụ tưới nước. Áp dụng hệ thống tưới này đảm bảo cây ở đầu hàng và cây cuối hàng luôn nhận được lượng nước giống nhau”, anh Tấn giải thích thêm.
Qua hạch toán kinh tế cho thấy, sản xuất rau, quả trong nhà lưới cho năng suất đạt khá cao. Sản phẩm sạch, an toàn đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường nên giá bán cao hơn các loại rau quả sản xuất thông thường.
Mặt khác, mô hình sản xuất rau, quả trong nhà lưới trong mùa nắng nóng nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Nguyễn Văn Tấn đã thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm, hỗ trợ, xúc tiến thương hiệu. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và được đánh giá cao về chất lượng.