Trong chuỗi liên kết thương hiệu nông nghiệp nông sản có 5 nhà đó là: Nhà nông, Nhà lãnh đạo, Nhà kỹ thuật, Nhà doanh nghiệp và nhà Doanh nhân tiếp thị. Hay nói rõ hơn là doanh nhân với tư duy và khả năng marketing với mô hình doanh nghiệp hoạt động theo hướng thị trường (marketing oriented company).
Vai trò của thương hiệu chỉ mới được nhìn nhận trong thời gian gần đây như một chân lý tất yếu của sự phát triển bền vững. Thương hiệu là kết tinh tất cả các giá trị của sản phẩm, thương hiệu là lời cam kết sâu sắc nhất về chất lượng, thương hiệu còn là tinh tuý văn hoá của địa phương với các yếu tố lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng, con người, cảnh quan.. kết tinh vào thương hiệu. Để từ đó thương hiệu với vai trò đại sứ của mình, mang hình ảnh và giá trị kết tinh các sản phẩm của mỗi địa phương đến với người tiêu dùng trên cả nước và cả thế giới.
Theo những lý thuyết gần đây nhất về quản trị doanh nghiệp điển hình là của Philip Kotler (trong Marketing Management), mô hình quản trị hiện đại đang được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới áp dụng đều nêu bật vai trò của marketing, như là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa sản phẩm và người tiêu dùng. Trong đó Thương hiệu là đối tượng quản trị trọng tâm và đồng thời cũng là mục tiêu chiến lược bền vững.
Trước tiên tư duy tiếp thị cần được trang bị trong tất cả các bên tham gia, tức là mỗi một người trong “bốn nhà”. Như vậy vai trò của các chuyên gia tiếp thị và thương hiệu không chỉ là hoạch định ra các chiến lược mà còn đóng vai trò tuyên truyền tư duy tiếp thị (marketing thinking), tư duy chiến lược (strategic thinking), và phương pháp quản trị tiếp thị thương hiệu (brand marketing management) cho các đối tác của mình. Ngược lại các đối tượng Nhà Nông, Nhà Lãnh Đạo địa phương, Nhà Kỹ Thuật và Nhà Doanh nghiệp cần ý thức nắm vững tư duy và phương pháp của “brand marketing” (tiếp thị thương hiệu) như là nhân tố thành công trong thời đại cạnh tranh toàn cầu hoá khi mà các lợi thế cạnh tranh kinh điển (*) đã được các địa phương và quốc gia khai thác triệt để.
Marketing không hề đánh giá thấp vai trò của các yếu tố lợi thế cạnh tranh truyền thống. Ngược lại Marketing tối đa hoá khả năng tận dụng khai thác các lợi thế cạnh tranh nói trên để làm phong phú các yếu tố và hàm lượng giá trị cộng thêm vào thương hiệu sản phẩm (product brand).
Như vậy vai trò liên kết của Nhà Tiếp Thị trong việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp, từ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây và nông sản là không thể thiếu. Dưới hình thức tư vấn, đào tạo hay trực tiếp tham gia điều hành các dự án.
Nhà Tiếp Thị sẽ đóng góp vào chuỗi liên kết bằng cách:
- Hoạch định “Chiến lược Tiếp thị Thương hiệu” mà cốt lõi là chiến lược phân phối và quảng bá thương hiệu sẽ được cụ thể hóa qua mô hình Kéo và Đẩy.
- Xây dựng Thương hiệu và tham gia hoạch định quy trình sản xuất Sản phẩm.
- Tham gia xây dựng các quy chế thương hiệu tập thể và thương hiệu địa phương.
- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch quảng bá thương hiệu.
- Xây dựng và triển khai các mạng lưới phân phối hay liên kết phân phối sản phẩm.
- Phân tích, nghiên cứu thị trường và đưa ra các giải pháp cạnh tranh.
Sự tham gia của các chuyên gia cần thiết hơn nữa đối với các doanh nghiệp và địa phương nhắm đến mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu tập thể hay thương hiệu địa phương với quy mô và tầm vóc quốc tế.