Thương hiệu trái cây nông sản là vấn đề rất quan trọng của hầu hết các vùng miền nông thôn của Việt Nam. Trong các thập kỷ qua, bằng nỗ lực của nhà nông và nhà kỹ thuật, cộng với chính sách quản lý vĩ mô sáng suốt, chúng ta đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá Basa… đã chiếm vị trí xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề mà nếu tập trung giải quyết, chúng ta có thể khơi dậy tiềm năng sẵn có và biến sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm chủ lực, với nhiều giá trị cộng thêm và tỷ suất lợi nhuận cao.
Thương hiệu hay nói chính xác là tiếp thị thương hiệu (brand marketing) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra những lợi thế cạnh tranh vượt trội và bền vững cho sản phẩm. Đó là điều cần quan tâm, cả đối với các nhà doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo quản lý vĩ mô ở trung ương và địa phương. Brand Marketing (tiếp thị thương hiệu) không chỉ là việc tạo dựng một thương hiệu, mà còn theo đó là một hệ thống các phương pháp quản trị toàn diện, lấy xu hướng thị trường làm kim chỉ nam, tích góp các giá trị của sản phẩm, văn hoá địa phương, vào trong thương hiệu, kết hợp với chiến lược truyền thông hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau, là những nét chính của một chiến lược tiếp thị thương hiệu. Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ thương hiệu, thương hiệu sản phẩm của mỗi doanh nghiệp cũng như thương hiệu tập thể của địa phương; xây dựng các quy chế chặt chẽ trong việc khai thác thương hiệu tập thể hay thương hiệu địa phương; quy định trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc tuân thủ chất lượng, an toàn sản phẩm, hình ảnh thương hiệu …là những điều cần thiết trong việc xây dựng và quản lý các thương hiệu chung.
Trong giai đoạn cần thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương hiệu, phối hợp cùng với doanh nghiệp và địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi và bền vững của các Chiến lược và các Quy chế thương hiệu.
Thương hiệu địa phương hay tiếp thị địa phương (marketing a place) là một lĩnh vực rất mới mẻ ngay cả ở các nước tiên tiến, hay nói chung kể cả tiếp thị thương hiệu (brand marketing) là một công cụ quản lý mới nhưng không khó nắm bắt, và vì vậy chúng ta có thể đi tắt đón đầu.
Các nhà doanh nghiệp khi phối hợp với địa phương cũng rất cần quan tâm đến vấn đề thương hiệu tập thể hay thương hiệu địa danh.
1.Thương hiệu tập thể:
Là một cái tên chung do tập thể các nhà sản xuất cùng nhau thống nhất và đăng ký chung cho các thành viên cùng khai thác.
Tên thương hiệu tập thể, vì vậy không nhất thiết trùng tên địa danh của địa phương mình. Thương hiệu tập thể thường áp dụng cho từng ngành hàng, do hiệp hội sản xuất đứng ra điều phối.
2.Thương hiệu địa danh:
Có thể là thương hiệu chỉ dẫn địa lý, hay một thương hiệu địa danh mới do địa phương đăng ký sở hữu. Quy định chỉ dẫn địa lý áp dụng cho các sản vật có nguồn gốc đặc trưng của địa phương là tài sản vô hình quý giá mà địa phương phải bảo vệ và khai thác.
3.Thương hiệu đặc sản:
Cũng nằm trong khái niệm chỉ dẫn địa lý do Cộng đồng Châu Âu quy định nhằm bảo hộ sản phẩm truyền thống đặc trưng của một địa phương. Các sản phẩm này thường cũng xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp và thủ công truyền thống của một địa phương.
Doanh nghiệp có thể khai thác thế mạnh sẵn có của một thương hiệu địa phương, nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng có trách nhiệm cùng với địa phương quảng bá thương hiệu trong một chiến lược hợp tác dài hạn. Đó là điều mà chúng ta kỳ vọng trong phát triển bền vững. Đi kèm theo nó là các cam kết về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm thực phẩm, bảo tồn các giá trị tinh hoa văn hoá địa phương, cảnh quan và môi trường, nét nhân văn… tất cả đều phần nào có liên quan đến giá trị của sản phẩm mà doanh nghiệp và địa phương đang cùng nhau khai thác.