BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH OCOP – SỐ HÓA ĐÁNH GIÁ PHÂN HẠNG

Tháng Chín 7, 2022

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau 3 năm triển khai đã giúp nâng tầm nông sản Việt và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, HTX. Chương trình này cũng tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Đi cùng với đó là có hiện tượng đánh giá cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP khiến chất lượng sản phẩm chưa được bảo đảm.
Đặc biệt, từ quá trình thực hiện ở Trung ương và địa phương cho thấy hiện hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau gây áp lực cho cá cơ quan chức năng và các chủ thể.
Trước những khó khăn trên, ứng dụng chuyển đổi số trong phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP là điều vô cùng cần thiết và phù hợp.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với các đơn vị tiến hành phổ biến cho các địa phương, các chủ thể sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Trong phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP này, các chủ thể chỉ cần đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ sản phẩm online theo hướng dẫn. Các sản phẩm tham gia OCOP được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm. Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố tiến hành chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.
Đặc biệt, với phần mềm này, các chủ thể, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có thể truy cập và có thể nắm rõ lịch trình thực hiện của các chủ thể nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Theo các chuyên gia, sử dụng phần mềm sẽ giúp việc phân hạng, đánh giá sản phẩm vẫn được đảm bảo thông suốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay và giúp công tác quản lý, tìm kiếm thông tin được thuận lợi hơn.
“Hướng đến xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đây cũng là phương thức đẩy mạnh phát triển các hình thức thương mại sản phẩm OCOP; trong đó có thương mại điện tử”, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.